1,107
Việc tái chế rác hữu cơ là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt và tạo ra nguồn phân bón tự nhiên cho vườn rau. Trong đó, việc sử dụng...
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 132.5 hộ gia đình, chiếm 38,1% tổng số dân ở 154/161 xã, phường, thị trấn thực hiện phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình. Trong đó, hai huyện có số hộ thực hiện phân loại, xử lý rác tại nguồn nhiều nhất là huyện Kim Động với 26.5 hộ, chiếm 67,3% số hộ toàn huyện; huyện Phù Cừ với 15.4 hộ, chiếm 66,2% số hộ toàn huyện. Vậy cách phân loại xử lý rác thải hữu cơ ở Hưng Yên có gì nổi bật? Xem ngay bài viết dưới đây.
Ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên, cho biết : “Năm 2012, tỉnh Hưng Yên triển khai thí điểm mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại 100 hộ gia đình ở thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường, huyện Kim Động bằng phương pháp dùng thùng nhựa có nắp đậy. Tiếp đó, đến năm 2013, tỉnh tiếp tục hỗ trợ hơn 300 hộ gia đình tại thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động cách phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng hình thức đào hố tại khuôn viên vườn có nắp đậy.”
Từ những kết quả đạt được khi thực hiện mô hình, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Uỷ ban Nhân dân tỉnh triển khai và nhân rộng phân loại, xử lý rác hữu cơ trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên cũng ra quyết định thành lập thêm tổ công tác để kiểm tra, giám sát, hướng dẫn nhiều hộ gia đình thực hiện phân loại, xử lý rác thải hàng ngày.
Ông Nguyễn Đăng Khôi, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Cừ, cho biết thêm: “Trước đây, nhiều hộ gia đình có tâm lý đã nộp tiền phí thu gom rác thải hàng tháng rồi thì cứ mang tất cả các loại rác thải ra khu vực tập kết mà không phân loại, gây tình trạng ùn đọng, ô nhiễm môi trường. Nhưng bây giờ, đại đa số người dân đã ý thức hơn trong việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ, trở thành việc làm thường xuyên hàng ngày của các hộ gia đình trên toàn bộ địa bàn huyện.”
Để việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trở thành hoạt động sâu rộng, thường xuyên, liên tục, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Cừ đã tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân huyện xây dựng và triển khai kế hoạch, đặt chỉ tiêu cho các ngành, đoàn thể, các thôn, xóm tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện, tham gia các phong trào giữ vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan “Sáng – xanh – sạch – đẹp”.
>>> Xem thêm Mô hình biến rác thải thành phân bón hữu cơ
Đồng thời, đưa việc thực hiện chỉ tiêu vào đánh giá thi đua, khen thưởng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các xã, thị trấn hàng năm. Biểu dương, nhân rộng những hộ gia đình, đoàn thể, thôn, xóm tiên tiến của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện.
Tiếp đến trong giai đoạn từ năm 2017-2020, các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố cần tổ chức 517 lớp tập huấn, tuyên truyền về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường. Từ đó hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt cho gần 58.000 lượt cán bộ và nhân dân; phát trên 35.500 tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
Từ 2016 đến nay, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên cũng đã phân bổ 60 tỷ 920 triệu đồng kinh phí từ nguồn bảo vệ môi trường hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Đồng thời, hỗ trợ các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh 8 tỷ 880 triệu đồng nhằm thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, vận động người dân thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ từ đầu nguồn ngay tại hộ gia đình.
Bên cạnh đó,các địa phương, tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội đã triển khai, nhân rộng đề án bảo vệ môi trường với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, có nhiều mô hình hay, các làm mới về việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ của Hội LHPN tỉnh Hưng Yên được triển khai như: Mô hình “Ngâm ủ rác hữu cơ thành chế phẩm EM để sản xuất nước rửa bát, nước lau nhà”; 164 mô hình phế liệu sạch với phương thức hoạt động là các hộ tự thu gom, phân loại phế liệu bìa carton, vỏ lon bia, chai nhựa, giấy vụn… bán lấy tiền hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em nghèo và tổ chức các hoạt động ở chi hội.
Đồng thời Ủy ban huyện Phù Cừ cũng vận động người dân tự đào hố, tận dụng triệt để vật liệu có sẵn để che đậy hố xử lý rác hữu cơ. Tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang phân loại rác tại hộ gia đình, xử lý rác thải hữu cơ tập trung. Nhân dân ở một số địa phương khác thì sử dụng phương án thùng nhựa có nắp đậy 20 lít để phân loại, xử lý rác thải hữu cơ…
Mặc dù việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình đã được triển khai rộng rãi trong toàn tỉnh, nhưng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên Nguyễn Văn Phú cho biết, tỉnh Hưng Yên vẫn đặc biệt chú trọng khu vực nông thôn. Bởi vì đây là khu vực nhiều gia đình có đất vườn rộng, có thể xử lý rác thải hữu cơ ngay trong vườn để biến rác thải hữu cơ thành phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
>>> Xem thêm Xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp ủ
Trong quá trình triển khai, thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn có thành công được hay không cũng phụ thuộc vô cùng lớn vào ý thức và hành động của người dân. Chính các tầng lớp nhân dân phải nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm trong việc thực hiện bảo vệ môi trường. Cùng với đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng phải làm gương, tích cực thực hiện phân loại rác thải tại nguồn theo hình thức ở nơi xã, thị trấn đang sinh sống.
Chính quyền các cấp, đặc biệt là những cán bộ được giao nhiệm vụ thực hiện phải là người say mê, nhiệt tình với công tác bảo vệ môi trường, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đến từng hộ dân, thôn xóm, thậm chí cùng đồng hành với người dân trong việc thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ từ đầu nguồn ngay tại hộ gia đình.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên sẽ phối hợp với các sở, ngành, các địa phương liên quan để tiếp tục rà soát hiện trạng sử dụng đất ở, đất vườn của các hộ gia đình trên địa bàn để có những phương án triển khai phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình phù hợp với từng đối tượng. Ưu tiên các hộ gia đình xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp đào hố, sử dụng chế phẩm vi sinh ủ rác. Đối với các hộ không có đất vườn thì xử lý rác thải bằng thùng nhựa có lắp đậy cũng được phổ biến rộng rãi.
Khuyến khích, đẩy mạnh quá trình đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung có công nghệ hiện đại, giảm thiểu chôn lấp rác thải.
Giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn về số hộ triển khai thực hiện. Xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với Uỷ ban Nhân dân cấp xã khi để xảy ra tình trạng hộ gia đình không thực hiện, sử dụng sai mục đích, làm mất, làm hỏng các dụng cụ được hỗ trợ hoặc không tham gia phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn.
Đưa kết quả quá trình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình để xem xét, khen thưởng, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, thẩm định, đánh giá nông thôn mới.
Như một thói quen hàng ngày, bà Nguyễn Thị Mỹ trú tại thôn Cát Dương, xã Tống Phan, huyện Phù Cừ luôn tận dụng từ rác thải sinh hoạt của gia đình sau đó vứt xuống ao cho cá ăn, số còn lại bà đổ dồn vào hố rác đã được đào sẵn ở góc vườn. Đối với những loại rác thải khó phân hủy như hộp xốp, túi nylon, chai nhựa… bà cho vào bao tải đặt ở vị trí được quy định để tổ thu gom rác đến mang đi xử lý.
Bà Nguyễn Thị Mỹ, cho hay: “Trước đây mọi loại rác thải sinh hoạt của gia đình đều được tôi dồn lẫn lộn vào thùng nhựa hoặc bao tải rồi đem ra chỗ tập kết rác. Tuy nhiên từ hai năm trở lại đây, khi được phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật đào hố ủ rác và cách tạo chế phẩm sinh học, tôi đã thực hiện phân loại, xử lý rác ngay tại nhà nên lượng rác gom đi tiêu hủy rất ít, gần như không có, người đi thu gom rác đỡ vất vả, môi trường cũng không bị ô nhiễm, lại có thêm lượng phân bón sạch cho cây trồng”.
Cùng trú tại thôn Cát Dương, bà An Thị Lan cứ cách hai tháng một lần lại đi lấy phân hữu cơ được ủ từ rác sinh hoạt với chế phẩm vi sinh ở hố rác để bón cho cây ăn quả, rau màu của gia đình. Bà An Thị Lan, cho biết: “Gia đình tôi đã được hướng dẫn và thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn từ hơn 10 năm nay. Nếu không thực hiện phân loại, xử lý rác thì rác thải sinh hoạt hoặc khi các cháu trong gia đình ăn uống hoa quả, bánh kẹo, vỏ cứ vứt bừa ra, thu hút một lượng lớn ruồi muỗi, bốc mùi hôi, vô cùng mất vệ sinh. Tuy nhiên từ khi đào hố rác, tôi cứ đổ dồn vào đấy để làm phân bón cho cây trồng. Vì vậy, nhà cửa cũng gọn gàng, sạch sẽ hơn”.
Không chỉ có gia đình bà An Thị Lan, bà Nguyễn Thị Mỹ, mà hàng nghìn hộ gia đình thuộc khu vực nông thôn của huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đã được hướng dẫn và thực hiện đào hố chứa, thùng ủ rác thải hữu cơ trong khu vực vườn nhà, đồng thời đặt thùng nhựa, bao tải đựng rác thải khó phân hủy ở những nơi thuận tiện cho tổ thu gom rác đến mang đi xử lý…
Theo nhiều hộ gia đình ở huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, chi phí đào hố rác trong khuôn viên vườn, thùng đựng, chế phẩm vi sinh không tốn kém nhiều mà lại đem đến hiệu quả cao. Với những hộ không có khuôn viên vườn để đào hố, thì phương pháp ủ rác thải bẳng thùng nhựa cũng được sử dụng phổ biến mà hiệu quả cũng rất cao.
Rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn xã Phù Cừ chủ yếu là từ thực phẩm, chất thải làm vườn, mà phần lớn trong số đó là chất thải hữu cơ. Hàng ngày, các hộ cho những loại rác thải hữu cơ vào hố hoặc thùng nhựa có nắp đậy kín đến khi đầy thì tháo nắp đậy ra và lấp đất lại. Sau một thời gian ủ, rác thải sẽ phân hủy thành phân hữu cơ đem đến nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình cũng thực hiện trồng trực tiếp cây ăn quả, rau củ vào vị trí của hố ủ rác để cây trồng được hấp thụ trực tiếp từ hố rác.
Chính những việc làm thường xuyên, đơn giản hàng ngày của nhiều hộ gia đình như là phân loại, xử lý rác hữu cơ từ đầu nguồn đã mang lại nhiều lợi ích trong việc cải thiện, bảo vệ môi trưởng ở khu vực nông thôn của xã Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Nhờ vậy, tình trạng đóng rác thải thành bao tải ném xuống sông, ao hồ, kênh mương, hoặc lập nên những bãi rác tự phát cạnh các đường liên thôn, liên xã không còn; mùi hôi thối do rác thải tại hộ gia đình đã được khắc phục triệt để. Môi trường từ nhà ra ngõ, xóm được đảm bảo sạch sẽ.
Ông Lê Đức Lành, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, cho biết thêm: Rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình thường được chia ra thành ba loại là phế liệu, rác thải khó phân hủy và rác thải hữu cơ dễ phân hủy. Riêng đối với các rác thải hữu cơ dễ phân hủy như lá cây, cỏ, rau, củ, quả, thức ăn thừa, bã trà, bã cà phê… được xử lý trực tiếp tại hộ gia đình bằng chế phẩm vi sinh ủ rác dạng bột làm thành phân bón cho cây trồng.
Việc phân loại rác hữu cơ được thực hiện tốt giúp cho các hộ gia đình xử lý khoảng 60% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày. Đồng thời, cũng góp phần giảm thiểu tối đa lượng rác thải và chi phí thu gom, vận chuyển rác để đưa đi xử lý tập trung, hạn chế ô nhiễm môi trường không khí, tiết kiệm được phần lớn diện tích đất dùng để chôn lấp rác, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ tốt, dinh dưỡng cho cây trồng.
Hiện tại, tại nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi. Môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Đồng thời nhận thức của người dân về việc phân loại, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường sống hàng ngày đã có những chuyển biến tích cực hơn.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên
1,107
Việc tái chế rác hữu cơ là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt và tạo ra nguồn phân bón tự nhiên cho vườn rau. Trong đó, việc sử dụng...
Hiện nay xu hướng nông nghiệp sạch ngày càng được quan tâm đặc biệt việc sử dụng phân hữu cơ mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong sản xuất nông nghiệp. Vậy phân hữu cơ là gì...